Địa điểm trưng bày hình ảnh, hiện vật Đà Lạt xưa và nay

(Du lịch Đà Lạt) - Cao nguyên Langbiang từ xa xưa là địa bàn cư trú của người Lạch, Chil thuộc dân tộc Cơho. Đến năm 1893, bác sĩ Alexandre Yersin - người Thụy Sĩ gốc Pháp thám hiểm Langbiang thì vùng đất này mới phát triển thành đô thị.

Bảo tàng Lâm Đồng là bảo tàng tổng hợp (khảo cứu địa phương), hiện đang lưu giữ trên 15.000 hiện vật với nhiều sưu tập hiện vật độc đáo và quý hiếm. Nội dung trưng bày của Bảo tàng bao gồm các phần chính như:

  • Thiên nhiên Lâm Đồng; 
  • Đà Lạt xưa và nay;
  • Những phát hiện về khảo cổ học ở Lâm Đồng;
  • Những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa (dân tộc Mạ, Cơho, Churu);
  • Quân và dân Lâm Đồng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm;
  • Nhân dân Lâm Đồng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Ngoài những nội dung trên, Bảo tàng Lâm Đồng còn giới thiệu hai nhà sàn dân tộc Mạ và Cơho được phục dựng nguyên gốc và bên trong bài trí theo không gian sinh hoạt truyền thống. Du khách khi đến đây sẽ có cảm giác như đang được sống trong ngôi nhà của người Mạ, Cơho, nghe cô thuyết minh duyên dáng người Cơho giới thiệu về phong tục tập quán và nếp sinh hoạt trong ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình.

Đến với Bảo tàng Lâm Đồng, du khách còn được hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng, trữ tình của Đà Lạt, tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, nhún đu, bịt mắt đánh chiêng hoặc thao tác các nghề truyền thống như làm gốm, in tranh Đông Hồ…

Đồng thời thưởng lãm hoa nghệ thuật, mang tên “Ngàn hoa Đà Lạt” với các loài hoa đặc trưng của Đà Lạt như: Hoa hồng, Cẩm tú cầu, Hoa lan, Hoa ly v.v... được bảo quản bởi công nghệ Nhật Bản, có thể lưu giữ vẻ đẹp thuần khiết từ 3 đến 5 năm.

Quý khách thăm lại Cung Nam Phương Hoàng hậu, tìm hiểu kiến trúc tiêu biểu của Pháp tại thành phố Đà Lạt và hiểu thêm về Nam Phương Hoàng hậu - Vợ vua Bảo Đại, Hoàng hậu duy nhất của triều Nguyễn và là Hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.

Bảo tàng Lâm Đồng đã và đang trở thành một địa điểm ấn tượng và hấp dẫn cho du khách khi đến du lịch tại Đà Lạt - Lâm Đồng, và là nơi thu hút học sinh, sinh viên đến nghiên cứu và học tập.


Đà lạt có gốc từ DàLàc (phát âm theo tiếng dân tộc là Đạ Lạch), Đạ là nước, Lạch là tên một bộ tộc thiểu số cư trú nơi đây. Như vậy, Đà Lạt có nghĩa là nguồn nước của người Lạch. Lý giải về tên gọi Đà Lạt còn có giả thuyết cho rằng cái tên “Dalat” được bắt nguồn từ 5 chữ cái của một câu châm ngôn xuất phát từ tiếng Latinh: DAT ALLIS LAETITUM ALLIIS TEMPERRIEM (tạm dịch ra: Cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành). Điều này đã khiến nhiều người suy đoán rằng tên Đà Lạt là do người Pháp đặt và cách hiểu đó đến nay vẫn được nhiều người quan tâm.

Mặc dù bác sĩ Yersin không phải là người đầu tiên phát hiện ra cao nguyên Langbiang, nhưng ông là người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành đô thị Đà Lạt vì sau chuyến thám hiểm, ông đã tích cực đề xuất với toàn quyền Pauld Doumer đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cho người Pháp tại Đà Lạt. Ở đây đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về độ cao, khí hậu, nguồn nước, đất đai và điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng… Chính từ những ưu thế đó, Đà Lạt dần hình thành và nhanh chóng phát triển thành một đô thị hiện đại mang dáng dấp châu Âu.


Ngày nay, theo quy hoạch chung, thành phố Đà Lạt - Lâm Đồng và vùng lân cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Đà Lạt là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ và đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng… Một trong những trung tâm du lịch , đặc biệt là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo và sinh thái của vùng và cả nước, một trong những trung tâm đa ngành, trung tâm nghiên cứu của cả nước, là khu vực sản xuất chế biến rau và hoa chất lượng cao để phục vụ cho nhân dân trong nước và xuất khẩu…

Muốn tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt - thành phố của vùng cao Nam Tây Nguyên, hãy đến với Bảo tàng Lâm Đồng. Nơi đây trưng bày, giới thiệu những tài liệu, hiện vật và hình ảnh về Đà Lạt xưa và nay. Đến đây, quý khách còn biết thêm về quá trình nhập cư lập làng, mở ấp chuyên canh nghề trồng rau, hoa như: ấp Hà Đông, ấp Nghệ Tĩnh, ấp Thánh Mẫu, ấp Đa Thiện, ấp Ánh Sáng, ấp Thái Phiên, ấp Cầu Đất và tìm hiểu sinh hoạt văn hóa vật chất, tinh thần của các cư dân từ mọi miền đất nước khi đến Đà Lạt sinh sống qua nhiều giai đoạn lịch sử.

contact-form

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn